Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao, CBRE Việt Nam cho biết, trong thời gian qua có nhiều sản phẩm trỗi dậy thay thế cho bất động sản sở hữu lâu dài, đối với sản phẩm nhà ở bán, có 3 dòng sản phẩm: căn hộ, sản phẩm gắn liền với đất như biệt thự, nhà phố.
Sáng nay (16/8) tại TPHCM đã diễn ra hội thảo “Xu thế sở hữu Bất động sản: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam”. Hội thảo do VTV24 phối hợp với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Phan Hữu Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội BĐSVN nhận định rằng đây vẫn đang được coi là giai đoạn đầu của sự phát triển, thị trường bất động sản còn đang phải đối mặt với những khó khăn nội tại như: cơ cấu loại hình sản phẩm còn khá chênh lệch – mục tiêu phát triển nhà ở xã hội chưa đạt; Qui hoạch phát triển bất động sản theo lãnh thổ chưa rõ ràng; Sự liên kết trong đầu tư bất động sản giữa các doanh nghiệp trong nước đặc biệt là các doanh nghiệp qui mô vừa và nhỏ còn yếu và thiếu;
Bên cạnh đó, cũng theo ông Thắng, định hướng thu hút đầu tư nước ngoài vào bất động sản còn chưa được xác định rõ (phân khúc nào, khu vực nào, đối tượng nào nên mời gọi đầu tư nước ngoài? Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 với sự tiến bộ vượt bậc về công nghệ đã và đang tác động mạnh mẽ đến hầu hết các lĩnh vực, bao gồm cả thị trường bất động sản”.
Còn theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt vấn đề đưa chế độ sở hữu toàn dân vào thị trường như thế nào cho hiệu quả và cho biết, chế độ sử dụng đất đai tại Việt Nam là lâu dài.
Việt Nam đã công nhận đất ở được sử dụng lâu dài, lý do chính là cho phù hợp với tư duy truyền thống của người Việt. Chế độ sử dụng đất có thời hạn có ưu điểm là làm cho người sử dụng đất đai có trách nhiệm hơn, luôn muốn sử dụng triệt để trong thời hạn mình đã bỏ tiền ra để được sử dụng đất, tránh được hiện tượng đầu cơ đất đai và tích trữ nguồn lực tài chính vào đất đai.
“Cơ chế bền vững nhất là đất đai được sử dụng có thời hạn dưới hình thức thuê đất trả tiền hàng năm. Người sử dụng đất có trách nhiệm cao về sử dụng, hiệu suất sử dụng đất cũng cao, giảm chi phí đất đai trong sản phẩm hàng hóa, nguồn thu ngân sách ổn định”, ông Võ cho hay.
Ông Võ cho biết thêm, khi ban hành Luật Nhà ở 2014 đã đề xuất thời hạn sở hữu đất chung cư là sở hữu có thời hạn sẽ có tác dụng tôn tạo, sửa chữa chung cư… nhưng Quốc Hội không đồng ý và cho rằng đất chung cư cũng là vô thời hạn. “Do đó, nói rằng đất ở có thời hạn càng khó hơn. Với loại hình condotel , condotel vừa có thể để ở được, vừa kinh doanh, quan điểm của tôi đất ở cho lâu dài, condotel cũng cho nên ở lâu dài”, ông Võ nói.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, bà Dung cho biết thêm thời gian qua sản phẩm thị trường đón nhận nhiều nhất là căn hộ để bán, cho đến hiện tại đều là sở hữu lâu dài, hay còn là sở hữu vĩnh viễn. Tâm lý người mua bất động sản tại Việt Nam rất thích sản phẩm có sở hữu lâu dài, nên sức tiêu thụ trên thị trường cao.
Bà Dung dẫn số liệu cho thấy, năm 2008, tại 2 thị trường lớn là TPHCM và Hà Nội nguồn cung chào bán là 15.000 căn hộ, số căn tiêu thụ là 8.000 căn nhưng đến năm 2018, nguồn cung chào bán lên đến 63.000 căn và số căn tiêu thụ đã lên đến 55.000 căn.
Đến hiện tại, xu hướng tiêu dùng của người mua, nhà đầu tư vẫn là căn hộ sở hữu lâu dài. Khảo sát sơ bộ cho thấy có sự chuyển đổi khá lớn. Từ 2014 đến 2016, số lượng người mua để đầu tư chiếm đến khoảng 65% so với 35% chỉ để ở. Từ 2017 đến 2018, khi có thêm nhiều sản phẩm ở phân khúc trung cấp, quan niệm của người mua cởi mở hơn với chung cư, tỷ lệ mua để ở lên đến 45%. Nhu cầu người mua để ở tăng lên nhiều, mối quan tâm với các dự án chung cư cũng tăng lên. Tuy nhiên con số được cung ra thị trường vẫn rất ít so với nhu cầu thực tế.
Tại TPHCM có đến 12 triệu dân, Hà Nội khoảng 11,12 triệu dân, trong khi số căn hộ cũng chỉ khoảng 260.000 căn hộ. Con số quá ít so với nhu cầu, nguồn cung như vậy còn quá thấp. Như vậy có dư địa rất lớn để chúng ta phát triển thị trường. Các dự án có sở hữu lâu dài và vĩnh viễn, người mua cũng cần phải cân nhắc.
Bà Dung cũng cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, số lượng dự án chào bán ra sụt giảm nhất định so với cùng kỳ năm 2018, nếu mua để đầu tư thì ta bắt đầu có ít lựa chọn hơn. Sản phẩm thay thế là sản phẩm sở hữu có thời hạn bắt đầu nhận được sự quan tâm của người mua.
Đối với sản phẩm căn hộ khách sạn và biệt thự nghỉ dưỡng, người mua chủ yếu để đầu tư. 5 năm qua, thị trường bất động sản tại Hà Nội và TPHCM hồi phục thì thị trường bất động sản hồi phục sau đó 1 năm. Mặc dù chỉ được sở hữu hữu hạn nhưng lợi nhuận cho thuê cao hơn đầu tư căn hộ trong thành phố. Trong TPHCM hay Hà Nội còn có officetel – sản phẩm lai giữa văn phòng và căn hộ, tuy nhiên còn nhiều vấn đề về sở hữu.
“Rõ ràng chúng ta có sự chuyển dịch ở đâu đó với nhu cầu của người mua. Chúng tôi coi đây là sản phẩm bổ sung, năm 2016 – 2017, số lượng tiêu thụ được đâu đó 70-80%. Đến năm 2018, lượng chào bán nhiều nhưng lượng tiêu thụ cao. Đến hiện tại, Nha Trang có khoảng 16.000 căn hộ còn Đà Nẵng có 19.000 căn hộ. Tăng trưởng của thị trường Nha Trang cũng tăng cao qua từng năm, tại Nha Trang, tất cả các dự án này được sở hữu 50 năm. Trong khoảng 1 năm trở lại đây, nhà đầu tư đã chấp nhận sở hữu 50 năm cho đến khi luật rõ ràng hơn về sở hữu loại hình này”, bà Dung nói.
Bà Dung còn dẫn số liệu tỷ lệ bán hiện tại từ 60% đến 100%. Lợi nhuận đầu tư ở khoảng 7% đến 9% trong giai đoạn đầu, thời điểm những năm qua, nguồn cung quá nhiều nên lợi nhuận đầu tư ước chừng chỉ 6 đến 7% ở hiện tại. Đối với officetel, đây là sản phẩm lai như condotel, nhưng câu chuyện kém lạc quan hơn. Từ 2016 đến 2018, thị trường officetel tăng trưởng cao hơn rất nhiều so với condotel.
Từ 2015 đến 2018, số lượng officetel tăng rất cao, tỷ lệ hấp thụ lên đến 98%, hiện tại hầu như không có sản phẩm officetel để bán. Dựa trên khảo sát của CBRE, khả năng cho thuê lại không phải quá tốt, hiện tại nhà đầu tư đang bán lại trên thị trường thứ cấp, mức lãi bán lại khoảng từ 5 đến 10%.
“Khung pháp lý của sản phẩm này còn nhiều lấn cấn, người mua khi ký hợp đồng mua cũng không có được câu trả lời rõ ràng từ nhà đầu tư. Việc bố trí lối đi riêng với officetel với cư dân, người thuê officetel đòi hỏi lối đi riêng cũng gặp khó khăn. Khả năng cho thuê của officetel bị kém đi. Trong năm 2019, gần như không có sản phẩm nào chào bán với officetel này, các cam kết lợi nhuận cũng không còn cao như những năm sôi động”, bà Dung nói.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land cho biết, bà chọn cam kết lợi nhuận của chủ đầu tư. Đối với dòng sản phẩm có thời hạn nhu cầu đầu tư, tiềm ẩn nhiều rủi ro (liên quan đến tính pháp lý, hỗ trợ tài chính cho nhà đầu tư). Vì vậy, để sản phẩm sở hữu có thời hạn hấp dẫn hơn chủ đầu tư phải có cam kết lợi nhuận hấp dẫn hơn.
Về việc đưa ra cam kết lợi nhuận và giữ được cam kết lợi nhuận của chủ đầu tư trong sản phẩm condotel thời gian qua, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D Công ty DKRA Việt Nam cho biết, giai đoạn năm 2015 – 2018 bất động sản nghỉ dưỡng đã có cuộc đua về cam kết lợi nhuận cùng với sự phát triển của thị trường bất động sản. Nhưng năm 2018 có một số dự án condotel không đạt được cam kết lợi nhuận khi đưa vào hoạt động.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho kết quả rằng, chủ đầu tư có xu hướng giảm cam kết lợi nhuận, đưa các cam kết về đơn vị quản lý dự án vào – thuê bên quản lý chuyên nghiệp….. Vì vậy, điều này khiến cho nhà đầu tư quan tâm nâng lực chủ đầu tư, đơn vị vận hành, giảm bớt quan tâm đến cam kết lợi nhuận”, ông Hoàng nói.
Nam Phong
Theo Trí thức trẻ